- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Cảm giác ‘ốm nghén’ hậu Covid-19
Cảm giác ‘ốm nghén’ hậu Covid-19
Chị Hương 29 tuổi, khỏi Covid-19 gần hai tuần song vẫn nhạt miệng, ghê mùi cơm, phải nấu mặn hoặc cay hơn mới cảm nhận được mùi vị.
Đến bữa, chị sợ mùi cơm, “cảm giác như bị ốm nghén khi mang thai”, chỉ ăn món kho, xào. Chị nghĩ “ăn ngon, mặc đẹp” là nhu cầu cơ bản mà bây giờ không cảm nhận được gì, cảm giác bức bối, khó chịu; lại mất ngủ nên bị sụt cân.
Hàng ngày, chị Hương chia thành 5-6 bữa, ăn món dễ tiêu như sữa, trái cây, sữa chua. Nhiều người quen của chị sau nhiễm cũng xuất hiện di chứng, mỗi người có di chứng khác nhau. Có người thèm ăn, ăn nhiều hơn, có người nhạt miệng, sợ mùi, không ai giống ai.
Chị Loan (31 tuổi, ở Ba Đình) luôn cảm thấy thèm ăn song ăn không ngon, nhanh chán. Chị vẫn cảm nhận được vị mặn, ngọt, chua, cay nhưng không có hậu vị (tức hương vị cuối cùng), phải nấu mặn hơn một chút mới vừa miệng. “Ăn dâu tây không thấy mùi thơm, uống cà phê nhạt như nước lọc, 10 phần nay chỉ còn 2 phần ngon miệng”, chị nói.
Ngoài ra, chị Loan thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, ăn kém hơn trước, phải bổ sung nhiều hoa quả, vitamin nhưng chưa cải thiện được nhiều. Đôi lúc chị nghĩ mình chưa khỏi bệnh, test nhanh thì âm tính, bác sĩ cho biết đây là di chứng hậu Covid-19.
TS. BS Nguyễn Thùy Linh (Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết đa số người sau khi khỏi Covid-19 gặp một số di chứng như mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn nuốt… Tại bệnh viện, các bác sĩ cũng đang hỗ trợ cho nhiều F0 suy kiệt, rối loạn, chán ăn… phải can thiệp dinh dưỡng.
“Nguyên nhân là trong thời gian điều trị Covid, người bệnh trải qua tình trạng viêm nặng, ăn uống kém hoặc nằm ICU”, bác sĩ Linh nói. Sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng, nhất là người tuổi cao, có bệnh nền hoặc phải thở máy dài ngày.
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu hay khảo sát nào về tình trạng di chứng Covid kéo dài cũng như số liệu người bị di chứng trong cộng đồng. Những con số hiện nay chỉ mới dựa vào ghi nhận tại thực tế khám chữa ở một số bệnh viện. Về tỷ lệ biến chứng ở F0 sau khi khỏi bệnh hiện chưa có đánh giá cụ thể, song đa số ăn uống kém và cần can thiệp để tránh suy kiệt.
“Thông thường, nhóm F0 nhẹ sau khỏi sẽ mắc triệu chứng thay đổi vị giác, còn nhóm nặng từng điều trị ICU gần như 100% bị suy kiệt, rối loạn tùy thuộc vào thể trạng từng người”, bác sĩ chia sẻ.
Điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho bệnh nhân ăn thông qua ống xông. Ảnh: Giang Huy
Để đưa ra phác đồ điều trị di chứng cho bệnh nhân, bác sĩ dựa vào nhiều yếu tố như chiều cao, cân nặng, quan sát dáng đi nhằm đánh giá tình trạng rối loạn nuốt; yếu, mỏi; khám vi chất trên da, tóc, móng mắt để xem có thiếu dinh dưỡng. Bác sĩ cũng căn cứ các triệu chứng thường gặp như viêm loét miệng, thay đổi vị giác, khứu giác, nóng rát, phù, mất khứu giác, khó nhai, khó nuốt, đầy bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, trào ngược, mất nước… để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Linh, nguyên tắc hồi phục cho F0 có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng là tiếp tục điều trị, bồi bổ kết hợp với phục hồi chức năng, cần theo dõi, tuân thủ chế độ ăn khoa học mới có thể bình phục hoàn toàn. Đặc biệt, F0 nặng, nguy kịch từng điều trị ở ICU khi xuất viện cần có kế hoạch dinh dưỡng lâu dài.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần ăn đủ 4 nhóm cung cấp tinh bột từ gạo, ngô, mì, khoai sắn, nhóm chất đạm, dầu mỡ và nhóm rau xanh, hoa quả… Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ví dụ, người trưởng thành thường ăn 3 bữa một ngày thì sau khỏi Covid nên chia nhỏ 4-6 bữa một ngày. Khi ăn tốt hơn thì giảm số bữa xuống và tăng số lượng thức ăn trong mỗi lần, với mức năng lượng tăng thêm khoảng 400-500 kcal một ngày so với chế độ ăn lúc chưa mắc Covid-19. Lượng protein cung cấp cho cơ thể cũng cần tăng khoảng 75-100 g một ngày so với trước.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng) khuyên trong thời gian điều trị, “các F0 cần quan tâm dinh dưỡng để giảm tình trạng thiếu chất hoặc biến chứng khi khỏi bệnh”. Ví dụ, F0 có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, mất khứu giác, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon thì ăn khoảng 5 bữa một ngày, không ăn quá no có thể gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh).
F0 kèm theo bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân béo phì… cần tuân thủ phác đồ điều trị bệnh và chế độ ăn do bác sĩ dinh dưỡng tư vấn. Người bệnh đái tháo đường thì lựa chọn thực phẩm theo chỉ số đường huyết. Người tăng huyết áp cần hạn chế sử dụng muối như chế độ ăn nhạt (khoảng 1-2 g muối), chế độ ăn nhạt vừa (khoảng 2-3 g muối một ngày), chế độ ăn nhạt hoàn toàn.
F0 triệu chứng nặng, điều trị tại bệnh viện, chế độ dinh dưỡng hoàn toàn phụ thuộc mức độ lâm sàng.
Tình trạng di chứng được các nhà khoa học trên thế giới gọi là “hội chứng hậu Covid” hoặc “hội chứng Covid kéo dài”. Các bác sĩ khuyến cáo tất cả F0 cần tái khám sớm sau khi xuất viện để được xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng, từ đó phát hiện và điều trị kịp thời các di chứng, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Thùy An